Viện Vật lý Địa cầu có các chức năng nghiên cứu cơ bản, quan trắc và điều tra cơ bản, phát triển, ứng dụng, tư vấn, cung cấp dịch vụ và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực vật lý địa cầu và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
NHIỆM VỤ CỦA VIỆN:
1. Nghiên cứu và điều tra cơ bản
a) Tổ chức quan trắc và điều tra cơ bản trong lĩnh vực vật lý địa cầu và liên quan; quản lý mạng lưới đài trạm vật lý địa cầu quốc gia. Thực hiện lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu vật lý địa cầu quốc gia.
b) Tổ chức báo tin động đất và cảnh báo sóng thần theo quy định của Nhà nước; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước trong công tác ứng phó thiên tai và giảm nhẹ thiệt hại do động đất và sóng thần.
c) Nghiên cứu, đánh giá, cung cấp luận cứ khoa học về đặc điểm các trường vật lý địa cầu, phục vụ các yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, khoa học-công nghệ và an ninh - quốc phòng:
- Nghiên cứu các quy luật phát sinh và hoạt động động đất, sóng thần trên phạm vi lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và các khu vực liên quan;
- Nghiên cứu trường từ Trái Đất và các hiện tượng liên quan trong tầng điện ly, từ quyển và hoạt động Mặt Trời; nghiên cứu cổ từ và từ tính đất đá;
- Nghiên cứu cấu trúc bên trong Trái đất theo các tài liệu địa vật lý: địa chấn, từ tellua, điện, trọng lực và từ;
- Nghiên cứu biến đổi của tầng điện ly sử dụng kỹ thuật thăm dò thẳng đứng, công nghệ Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu liên tục, chụp ảnh bầu trời quan sát dịch chuyển plasma điện ly trong mối quan hệ với hoạt tính Mặt trời, từ trường Trái đất và các yếu tố thời tiết không gian vũ trụ-khí quyển, ảnh hưởng của tầng điện ly lên quá trình truyền tín hiệu vệ tinh ở khu vực Việt Nam và lân cận, và dự báo trạng thái điện ly;
- Nghiên cứu hoạt động dông sét, chế độ gió, bức xạ và các trường khí quyển trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và các vùng liên quan.
d) Nghiên cứu quá trình tiến hoá địa động lực vỏ Trái Đất và thạch quyển bằng các tài liệu địa chấn, trọng lực, GPS, biến dạng, cổ từ,...
2. Nghiên cứu ứng dụng
a) Nghiên cứu, đánh giá độ nguy hiểm và độ rủi ro động đất; phân vùng động đất và vi phân vùng động đất; nghiên cứu đề xuất các giải pháp phòng tránh động đất;
b) Nghiên cứu, đánh giá an toàn địa chấn và sóng thần cho đê, đập, nhà máy điện hạt nhân, thủy điện và các công trình trọng điểm khác;
c) Nghiên cứu và triển khai ứng dụng các phương pháp địa vật lý trong khảo sát thăm dò, đánh giá môi trường địa chất, nền móng công trình, an toàn đê đập và tìm kiếm khoáng sản, nước ngầm.
d) Nghiên cứu, dự báo thời tiết, khí hậu, môi trường không khí và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (mưa lớn, bão và áp thấp nhiệt đới, nắng nóng, hạn hán, gió mạnh…), vòng tuần hoàn nước, quá trình lưu chuyển của nước trong thủy quyển; khai thác năng lượng gió, mặt trời; nghiên cứu đề xuất các giải pháp phòng chống sét; thực hiện tư vấn, thiết kế, thi công, kiểm định hệ thống, thiết bị chống sét, cảnh báo sét, cắt lọc sét cho mọi dạng công trình;
đ, Dự báo điện ly phục vụ mục đích thông tin liên lạc sóng ngắn, đánh giá gradient điện ly phục vụ xây dựng hệ thống gia tăng mặt đất (GBAS) hướng dẫn tiệm cận và hạ cánh chính xác trong hàng không dân dụng khu vực vĩ độ thấp Việt Nam và lân cận, dự báo thời tiết không gian.
e) Nghiên cứu, đánh giá các tai biến môi trường trên cơ sở tài liệu vật lý địa cầu và các tài liệu khác liên quan.
3. Các nhiệm vụ khác
a) Tư vấn, giám sát và thẩm định kết quả các công tác quan trắc, điều tra, khảo sát về địa vật lý, rung động động đất, rung động nổ mìn và các rung động khác do con người gây ra.
b) Nghiên cứu phát triển, kiểm định, hiệu chỉnh các thiết bị quan trắc và ứng dụng trong lĩnh vực vật lý địa cầu (máy địa chấn, máy địa vật lý, thiết bị quan trắc dông sét, khí quyển, rada, lidar,...).
c) Dịch vụ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực vật lý địa cầu và các lĩnh vực khác có liên quan.
d) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực vật lý địa cầu.
đ) Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao trong lĩnh vực vật lý địa cầu và các lĩnh vực khác có liên quan.
e) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vật lý địa cầu và các lĩnh vực khác có liên quan.
g) Quản lý về tổ chức, bộ máy; quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị theo quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
h) Quản lý về tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của Nhà nước.
i) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Viện giao.
Ban tin tức, Viện Vật lý Địa cầu.